Ngày 12/5, TP.HCM tổ chức hội nghị công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 các trung tâm thuộc Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2025”.
Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM cho biết đến nay Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh đã tích hợp được khoảng 1.000 camera từ các nguồn của sở ngành.
Các camera này được thiết kế ở những tầng cao, thấp khác nhau nhằm bảo đảm quan sát nhiều góc độ. Đặc biệt trong số này có những camera độ phân giải chất lượng có thể nhận diện được mặt người.
Giả sử muốn tìm kiếm một người nào thì hệ thống camera sẽ phát hiện và báo về ban điều hành nếu người đó xuất hiện tại các vị trí camera quan sát được.
Camera công cộng tại TP.HCM sẽ có thể nhận diện các tình huống tụ tập đông người, phát sinh hành vi bạo lực, sự cố an ninh trật tự, các vấn đề về phương tiện…
Ngoài ra, ông Cường cho biết hệ thống có thể được “dạy” để phát hiện các tình huống tụ tập đông người, phát sinh hành vi bạo lực, sự cố an ninh trật tự, các vấn đề về phương tiện… từ đó báo cáo về trung tâm để người điều hành có phương án xử lý.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ xây dựng ứng dụng để lãnh đạo thành phố sử dụng, có thể truy cập vào hệ thống để giám sát quá trình xử lý của từng vụ việc.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng phải xác định các vị trí nhạy cảm để lắp đặt camera. Các camera cần nhận diện được mặt người để bảo đảm an toàn cho thành phố. Ngoài ra, ứng dụng khi được xây dựng phải được phân quyền để tùy cấp bậc có thể truy cập được vào từng mức dữ liệu.
Cũng tại Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh mới hình thành, những phản ánh trật tự đô thị, giao thông từ các tổng đài 113, 114, 115 đã được kết nối để tổng hợp lại thành một đầu mối tiếp nhận, xử lý.
Sắp tới, người dân có thể liên hệ liên ngành chỉ với cổng 1022. Mọi thông tin trật tự xã hội và các vấn đề khác sẽ được phản ánh qua cổng tổng hợp này.
Khi người điều hành trung tâm tiếp nhận các tin báo quan trọng từ người dân, có thể mở camera để xác định vị trí, tình trạng sự vụ, từ đó đưa ra hướng điều phối, lãnh đạo thành phố có thể giám sát được quá trình xử lý.
Đối với các tin báo của người dân, Thành phố chia làm hai cấp độ khẩn cấp và không khẩn cấp. Đối với tình huống được xác định khẩn cấp, thông tin sẽ được kết nối ngay đến lãnh đạo thành phố. Từ ứng dụng được xây dựng, lãnh đạo thành phố ở đâu cũng truy cập camera và nắm bắt các thông tin phản ánh.
Trong hội nghị này, Thành phố cũng công bố đã vận hành 4 trung tâm phục vụ đô thị thông minh. Trung tâm thứ nhất là Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh thành phố, triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống 1.000 camera giám sát UBND Quận 1, Quận 12, Phú Nhuận, Gò Vấp và Sở Giao thông Vận tải.
Trung tâm thứ hai là Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố. Kho dữ liệu này đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung, hiện kết nối dữ liệu từ Cục thuế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch Đầu tư…
Kế đến là trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội đang ghi nhận các chỉ số về kinh tế – xã hội, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6.
Cuối cùng là trung tâm An toàn thông tin, được thành lập với mục tiêu bảo vệ an toàn, an ninh mạng cho dữ liệu và kết nối của các cơ quan nhà nước tại TP.HCM. Trung tâm này được phê duyệt thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố, với 51% vốn góp của Nhà nước do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn thành lập.
Nguồn: Internet